Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

VÙNG NGUYÊN LIỆU CÀ PHÊ DI LINH


Trăn trở với vùng nguyên liệu cà phê Di Linh

Thu hoạch cà phê giống mới
Thu hoạch cà phê giống mới
Di Linh là huyện có tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh sản xuất cây công nghiệp, nhất là cây cà phê, cây chè và một số cây trồng khác. Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh đó chưa “khai thác” một cách đúng mức, hiệu quả đem lại chưa cao. Đó là do sản xuất thiếu tính “bền vững”.
            
Chính vì thế, trong mấy năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền địa phương đang trăn trở để tìm “lối ra” cho sản xuất nông nghiệp. Bởi lẽ, một huyện có tới 57.600 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích trồng cà phê là 41.526 ha, diện tích chè gần 900 ha… Đặc biệt, giá trị thu nhập từ cây cà phê chi phối đến hầu hết giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp ở địa phương. Điều mà không ít người có tâm huyết với cây trồng thế mạnh này vẫn lo lắng, vì năng suất cây cà phê còn quá khiêm tốn. Theo thống kê của huyện, trong nhiều năm gần đây, năng suất cà phê của Di Linh cũng chỉ đạt ở mức bình quân từ 2 đến 2,4 tấn nhân/1 ha. Trong khi đó, cá biệt có những “lão nông tri điền”, những mô hình và những nông dân “chịu” đầu tư thâm canh… thì năng suất cà phê của họ đã đạt năng suất bình quân tới 5 tấn, 7 tấn nhân/1 ha và còn hơn thế nữa. Điều đó chứng tỏ mức độ đầu tư thâm canh không đồng đều. Chúng tôi đã thâm nhập thực tế, chứng kiến tận mắt và cảm thấy hơi “đau lòng” vì không ít nông dân DTTS ở vùng sâu (như Gia Bắc, Sơn Điền…) và ngay cả vùng “gần” (như Tam Bố, Gia Hiệp, Bảo Thuận…) năng suất cà phê chỉ đạt được vài tạ nhân/1 ha/ năm (!).

Trong những năm qua, Huyện ủy Di Linh cũng đã tập trung lãnh đạo và đặt ra các giải pháp để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích cây trồng. Kể cả cây cà phê, nếu diện tích cà phê già cỗi, diện tích cà phê cho năng suất thấp thì phá bỏ và chuyển đổi sang trồng cây khác, hoặc cải tạo bằng cách ghép những giống cà phê đầu dòng, hoặc trồng lại bằng các giống cà phê có năng suất cao. Thế nhưng, trong vòng 5 năm qua (2006 - 2010), toàn huyện cũng chỉ mới chuyển đổi (ghép và trồng mới) được hơn 3.600 ha cà phê năng suất thấp sang giống cà phê mới có năng suất cao hơn. Với diện tích giống cà phê mới ít ỏi như thế, thì trước mắt huyện Di Linh chưa thể nâng giá trị từ nguồn thu cà phê lên nhanh chóng được.
         
Sản xuất cà phê bền vững là hướng đi, là mục tiêu trước mắt và lâu dài. Trong qui trình sản xuất cà phê bền vững, nó đòi hỏi cả 2 yếu tố là năng suất và chất lượng sản phẩm. Mới đây, Huyện ủy Di Linh đã họp bàn và ra Nghị quyết chuyên đề “Phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững giai đoạn 2011- 2015”. Đây là một chủ trương đúng đắn của địa phương. Tất yếu là trong nội dung Nghị quyết này, Huyện Ủy Di Linh đã đánh giá, xem xét thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay; từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp để khắc phục sự mất cân đối lớn giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa diện tích và năng suất, giữa sản lượng và chất lượng sản phẩm các loại cây trồng, v.v… để hướng đến mục tiêu sản xuất “bền vững”. Đặc biệt, với huyện Di Linh, cây cà phê hiện giữ vai trò trọng tâm, chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp.
             
Khởi động lộ trình sản xuất bền vững, Di Linh là huyện đầu tiên triển khai Dự án phát triển cà phê vối bền vững của Sở NN - PTNT. Theo đó, từ năm 2007, huyện đã chọn 400 hộ nông dân tại thị trấn Di Linh và 3 xã: Đinh Lạc, Tân Châu và Đinh Trang Hòa trồng thử nghiệm 700 ha cà phê bền vững. Logo “Cà phê Di Linh” đã được công nhận và huyện đang tiếp tục xây dựng thương hiệu này. Đây là “tín hiệu” đáng mừng của bước khởi động. Tuy vậy, phía trước còn lắm khó khăn, khi nhân rộng diện tích sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn cả huyện để đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế Utz, 4C… Đây là định hướng, là công việc của lâu dài và triển khai từng bước, không thể vội vàng trong “ngày một, ngay hai”.
           
Cũng trong lộ trình sản xuất cà phê bền vững, một yếu tố để nâng cao chất lượng mà người trồng cà phê có thể tự mình làm được. Đó là việc hái, phơi và xay. Hái cà phê lúc trái đã chín. Phơi cà phê cho thật khô. Và xay cà phê khi đã khô, không “pha” trộn tạp chất… Tưởng là điều rất giản đơn, nhưng thực tế (không riêng gì ở Di Linh mà các địa phương nào cũng thế), đây là chuyện của “muôn thuở” chưa làm được. Bởi lẽ, do sợ bị hái trộm, thiếu công lao động khi vào vụ thu hoạch, cà phê “bị” hái non, trái chưa đủ chín; xay dập vỏ cà phê tươi trước khi phơi; sân phơi thiếu; cà phê nhân còn pha lẫn tạp chất… thì không thể nào đảm bảo chất lượng được.
           
Hàng năm, phấn đấu chuyển đổi từ 2.000 đến 2.500 ha cà phê kém năng suất để đến năm 2015, toàn huyện Di Linh có trên 12.000 ha cà phê giống mới, năng suất cao là mục tiêu mà Đảng bộ huyện đề ra trong kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Thực hiện được mục tiêu này, cộng với các biện pháp thâm canh và các giải pháp nâng cao chất lượng, hy vọng Di Linh sẽ tạo được bước “chuyển mình” về sản xuất nông nghiệp bền vững.

BÙI TRƯỞNG 

Related Posts by Categories



Widget by Namkna | Add your blog?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

CAO NGUYÊN SƯƠNG MỜ

CAO NGUYÊN SƯƠNG MỜ

MỚI LÀ THỨ THIỆT

MỚI LÀ THỨ THIỆT